Cầu tiền tỷ xây dở, bỏ hoang: Vì là vốn... trung ương?

Thứ tư - 20/01/2016 21:49
() - Do nguồn hỗ trợ ngân sách nhà nước bị cắt giảm, nên địa phương phải tự nghĩ cách tìm nguồn vốn đầu tư để triển khai thi công tiếp các dự án.

(Tin tức thời sự) - Do nguồn hỗ trợ ngân sách nhà nước bị cắt giảm, nên địa phương phải tự nghĩ cách tìm nguồn vốn đầu tư để triển khai thi công tiếp các dự án.

  • Xin đầu tư khủng:Ở đâu cũng thấy lãng phí vô tội vạ...
  • Lát đá phố cổ: Chuyên gia chỉ thẳng trò lãng phí

Quảng Trị: Địa phương thụ động trong tiếp nhận dự án

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hàng chục cây cầu được đầu tư xây dựng với nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thi công các công trình này đến nay vẫn chưa hoàn thành, do thiếu kinh phí.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 20/1, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: "Đây là những cây cầu được xây dựng nằm trong dự án “Đường cứu hộ cứu nạn và phát triển kinh tế" của chính phủ dành cho tỉnh.

Thế nhưng, đến năm 2011, ngân sách Trung ương khó khăn và bắt đầu cắt giảm chi tiêu đầu tư công, nên các dự án không còn được hỗ trợ về vốn, trong khi, địa phương lại không có khả năng kinh tế để hoàn thiện dự án, nên đành bỏ không.

Cau tien ty xay do, bo hoang: Vi la von... trung uong?

Ngày ngày người dân phải đi lại trên con đường khổ ải, đầy bụi

Còn hiện nay, tỉnh cũng đang đưa ra giải pháp dùng ngân sách của tỉnh để xử lý theo hướng thu hẹp quy mô dự án lại, trong phạm vi ngân sách có thể. Ban đầu, tỉnh cũng hy vọng các dự án trên sẽ giúp cho các địa phương có được những tuyến đường liên huyện, hỗ trợ phát triển kinh tế, thế nhưng ước mơ cũng chỉ là ước mơ".

Bên cạnh đó, theo ông Chính, thực chất trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 5 dự án xây cầu bị bỏ hoang, chứ không phải 10 dự án như đã được phản ánh.

Nói về việc vì sao triển khai hàng loạt các dự án khi nguồn kinh phí thiếu thốn, gây ra hệ quả bỏ hoang, ông Chính giải thích: "Thực ra lúc bấy giờ tâm lý của chính quyền cũng dễ hiểu. Đây là một tỉnh khó khăn  mà nhận được hỗ trợ cũng muốn triển khai, tận dụng nguồn vốn để hoàn chỉnh hệ thống giao thông.

Thêm nữa, theo chủ trương hỗ trợ vốn của Trung ương thì nếu địa phương làm 5 dự án sẽ hỗ trợ 100 tỷ đồng, còn nếu chỉ làm 1 dự án thì cũng chỉ cho 10-20 tỷ đồng. Có nghĩa là, Trung ương duyệt cho làm và hỗ trợ vốn cho bao nhiêu dự án thì tỉnh sẽ triển khai theo, vì đó là nguồn vốn ngân sách. Nếu là nguồn vốn của tỉnh thì sẽ khác, làm đường nào chúng tôi cũng sẽ làm cho xong, rồi mới tiến hành làm tiếp chứ không để lãng phí như vậy.

Đặc biệt, bản thân nguồn ngân sách của tỉnh cũng không thể dàn tiền ra nhiều dự án để lãng phí. Nhưng Trung ương quyết định thì tỉnh không thể làm khác".

Cau tien ty xay do, bo hoang: Vi la von... trung uong?

Phần lõi sắt trơ trọi tại cầu Trắng

Trước câu chuyện Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng như các ĐBQH cũng đã từng nói đến hiện nay cơ chế xin-cho dự án cũng như phân bổ vốn đầu tư của chúng ta nhiều bất cập, cũng như tình trạng các địa phương đua nhau làm dự án mà không cân nhắc kỹ nhu cầu thực sự thì đã diễn ra nhiều năm nay, ông Chính cho rằng nhận định đó không đúng.

Theo ông Chính, ở các địa phương khó khăn như Quảng Trị, thì nhu cầu hoàn thiện hệ thống giao thông còn rất lớn, nhưng cần có hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Nhưng không phải tỉnh trình lên xin 5 dự án thì được cả 5 dự án, mà phải được xem xét.

"Trong 5 năm tới, Quảng Trị còn phải làm nhiều công trình nữa, đảm bảo đường xá cho dân đi, để trồng rừng...không phải chạy đua dự án, câu chuyện xây dựng đều xuất phát từ nhu cầu con người.

Đặc biệt, cũng không phải làm dự án là có tiền, vì không phải dự án nào lập ra cũng được cung cấp vốn đầu tư ngay", ông Chính nói.

Đắk Nông: Vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho dự án

Trong khi đó, dự án xây dựng cầu thác trên địa bàn xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song, được UBND tỉnh Đăk Nông phê duyệt vào tháng 8/2008, khởi công xây dựng năm 2012 cũng đang trong tình trạng tương tự.

Đưa ra quan điểm, ông Ngô Xuân Lộc - Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: "Chúng tôi cũng đã nắm thông tin về sự việc trên và đang có văn bản chỉ đạo".

Cau tien ty xay do, bo hoang: Vi la von... trung uong?

Người dân phải qua sông trên đập tràn khi chưa có cầu

Theo ông Lộc, cơ chế xin cho dự án vẫn đang tồn tại, vì trước đó cũng có một số trường hợp bị phát hiện trên địa bàn tỉnh.Vì tham vọng của các địa phương, bài toán lợi ích nhóm, nên cứ tràn lan xin dự án mà không nắm chắc về nguồn lực cũng như nguồn vốn của địa phương mình.

Thế nhưng, vài năm qua, việc quản lý đầu tư chi tiêu công mới được giám sát chặt chẽ, hiệu quả, tránh được lãng phí như hiện nay.

Ông Lộc khẳng định: "Phải quy trách nhiệm tùy theo nguyên nhân của sự việc, nếu là nguyên nhân khách quan thì không thể truy cứu cho ai, nhưng nếu là nguyên nhân chủ quan thì phải xử lý mạnh mẽ, nghiêm khắc".

Châu An

Nguồn tin: baodatviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây