Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi: Hướng đi hiệu quả trên vùng đất cát ven biển Triêụ Phong

Chủ nhật - 22/11/2015 08:19
Thực hiện chương trình chuyển đổi và khai thác thế mạnh vùng cát của huyện, nhiều năm qua các xã vùng ven biển huyện Triệu Phong đã đầu tư chuyển dổi nhiều loại hình cây trồng, mô hình chăn nuôi tập trung đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp huyện Triệu Phong, vùng cát ven biển trên địa bàn huyện có tổng diện tích 12.000 ha, chiếm 34% diện tích toàn huyện.

Những năm trở về trước, vùng đất này một thời được ví như cái chảo lửa vào mùa hè, ngập nước vào mùa mưa, là nơi hoang hóa với bach ngàn cỏ dại. Sau khi có Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng cát của huyện ủy Triệu Phong, bắt đầu từ năm 2005 chính quyền các xã ven biển đã đẩy mạnh việc khai thác thác thế mạnh của vùng cát, theo đó chuyển đổi và đưa vào trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như lạc, ném, đậu xanh, dưa hấu, dưa gang.

Trong chăn nuôi, chú trọng việc xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, đưa các giống bò lai và gia cầm vào nuôi với lượng lớn, trong đó đặc biệt nhất là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven bờ biển. Bên cạnh đó, để khai thác hợp lý vùng đất này, huyện Triệu Phong cùng với nguồn vốn do Chính phủ Na Uy tài trợ đã thành lập 11 làng sinh thái với hơn 700 hộ dân sinh sống. Tuy mới được đầu tư phát triển làng hơn 5 năm nay nhưng những ngôi nhà khang trang, vườn cây, ao cá cứ thế mọc lên ngày càng nhiều, người dân có mức sống ngang bằng với các địa phương khác.

Ông Trần Mai Son, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng cho biết, với đặc thù là một xã ven biển, thời gian qua, được sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy và UBND huyện; sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã nên Triệu Lăng đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng các mô hình sản xuất- kinh doanh. Bên cạnh phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, Triệu Lăng tập trung phát triển kinh tế ở làng sinh thái bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, thay thế những cây năng suất thấp bằng những cây giống mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm, góp phần nâng giá trị sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp của xã. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt 16- 20 triệu đồng, riêng năm 2015 ước đạt 22 triệu đồng /người/năm.

Nhờ đặc thù là vùng cát nên việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản vẫn là thế mạnh của các xã ven biển như Triệu An, Triệu Vân và Triệu Lăng. Đến nay, các xã này có 403 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, trong đó có 23 chiếc có 40- 90 CV, 14 chiếc 90- 250 CV, 366 chiếc dưới 40 CV.  Kết cấu hạ tầng phục vụ đánh bắt thủy sản từng bước được đầu tư, trong đó có khu neo đậu tránh trú bão tại xã Triệu An và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo nhiều thuận lợi cho phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản và giải quyết được một lượng lớn lao động địa phương. Đặc biệt, nhờ khắc phục tình trạng nuôi tràn lan, tự phát, đồng thời chú trọng nhiều hơn đến việc ứng dụng các biện pháp, quy trình kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường nên việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, diện tích nuôi tôm  trên cát ven biển của huyện Triệu Phong đạt 550 ha, sản lượng khai thác năm 2015 ước đạt 3.740 tấn, tăng 770 tấn so với năm 2010.

Ông Phan Quang Giải - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết thêm: Trên cơ sở những kết quả đạt được trong việc khai thác thế mạnh vùng cát, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư, chuyển đổi nhiều loại cây trồng, con nuôi có giá trị cao để người dân đưa vào nuôi trồng trên vùng cát. Tuy nhiên chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt khâu quản lý đất đai, tránh gây bất cập trong việc bàn giao khi khu kinh tế đông nam đi vào hoạt động.

Cùng với việc đầu tư hạ tầng giao thông và hậu cần nghề cá, huyện Triệu Phong đang chỉ đạo các địa phương vùng ven biển đẩy mạnh chiến dịch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Khai thác thế mạnh vùng cát để xây dựng làng sinh thái và các mô hình kinh tế tập trung. Từng bước đưa cuộc sống của bà con ngư dân phát triển ngang bằng với các địa phương khác trong toàn huyện.

Nguồn tin: www.quangtritv.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây