Quảng Trị: Báo động tình trạng học sinh miền núi bỏ học

Thứ bảy - 05/03/2016 10:59
(Dân trí) - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, rất nhiều học sinh ở các cấp học thuộc các trường ở huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị vẫn chưa trở lại lớp. Ban giám hiệu các trường, thầy, cô cũng đã đi đến tận nơi vận động nhưng các em vẫn nghỉ học.

Theo báo cáo mới nhất của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, kết thúc học kỳ 1 đã có 539 em học sinh các cấp trên địa bàn này bỏ học. Số học sinh bỏ học này rơi vào các địa bàn vùng núi khó khăn và vùng bãi ngang. Trong đó, tỉ lệ bỏ học cao nhất là học sinh khối THCS với 209 em, chiếm 0,49%; khối THPT là 304 em, chiếm tỉ lệ 1,29% của toàn tỉnh. Đặc biệt, sau dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, nhiều em vẫn chưa quay trở lại trường.

Lớp học thưa thớt, thầy cô vượt đèo đi vận động

Các trường có số lượng học sinh nghỉ học nhiều nhất rơi vào các địa bàn miền núi. Riêng Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa, con số mới nhất cho thấy đã có gần 40 học sinh nghỉ học. Cá biệt, có lớp học có 10 em hiện chưa đi học lại.

Ngoài trường A Túc, ngành giáo dục cũng tiến hành thống kê tại các trường khác, kết quả có rất nhiều học sinh ở 3 cấp bỏ học, như: Trường THPT số 2 Đakrông có 19 học sinh bỏ học chiếm tỉ lệ khoảng 4%; Trường THPT Hướng Phùng có 12 học sinh nghỉ học, chiếm tỉ lệ khoảng 5%; các trường như Trường THPT Nguyễn Công Trứ; THPT Chế Lan Viên; THPT Nguyễn Hữu Thận, số học sinh bỏ học từ 14-15 em chiếm tỉ lệ khoảng từ 2,5-6,5% học sinh.

Học sinh nghỉ học xảy ra nhiều ở các trường học vùng cao.
Học sinh nghỉ học xảy ra nhiều ở các trường học vùng cao.

Để đảm bảo đủ số lượng, duy trì sĩ số, giáo viên chủ nhiệm các lớp, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã đến tận nhà các học sinh trên để vận động, thuyết phục phụ huynh cho con em đến trường. Tuy nhiên, hiện nay các em vẫn chưa quay trở lại lớp học.

Thầy Hoàng Ngọc Tứ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10B2, Trường THPT A Túc chia sẻ: “Đầu năm học, tôi nhận lớp với 43 học sinh, nay chỉ còn 33 em. Việc nhiều học sinh nghỉ học khiến lớp học trở nên thưa thớt. Là giáo viên thì ai cũng buồn khi học sinh của mình nghỉ học, dù đã đi vận động các em rất nhiều lần, không kể đường xá xa xôi, cách trở. Nhiều em ở cách xa hàng chục km, giáo viên vẫn tìm đến. Nhưng các em đi học được vài bữa rồi lại tự ý nghỉ”.

Giáo viên Trường THPT A Túc đến tận nhà học sinh để vận động phụ huynh cho các em trở lại trường.
Giáo viên Trường THPT A Túc đến tận nhà học sinh để vận động phụ huynh cho các em trở lại trường.

Tiếp xúc với một số phụ huynh, những người này cho rằng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên cho con nghỉ học để phụ giúp công việc làm nương rẫy. Mặt khác, họ nói rằng không có điều kiện để chu cấp cho con đi học. Trong khi đó, học sinh vùng cao đi học được miễn học phí, tiền xây dựng, được hỗ trợ chi phí học tập, mỗi học sinh được nhà nước trợ cấp 15 kg gạo/tháng.

Ông Thưa nói, việc cho con nghỉ học là do điều kiện quá khó khăn, hai vợ chồng ốm đau.
Ông Thưa nói, việc cho con nghỉ học là do điều kiện quá khó khăn, hai vợ chồng ốm đau.

Ông Hồ Thưa, thôn A Mo Rơ, xã A Xing, giải thích cho con trai đang học lớp 11 nghỉ vì vợ chồng đau ốm, không có người lên nương. Được biết, con gái đầu của ông cũng đã nghỉ học khi vừa hết lớp 9 để lấy chồng vào 3 năm trước. “Gia đình đã nhận công của hàng xóm nên giờ phải cho thằng Noi nghỉ học để trả công cho người ta”, ông Thưa nói.

Đau đầu tìm giải pháp hạn chế học sinh nghỉ học!

Tình trạng học sinh bỏ học cũng đã khiến các nhà quản lý giáo dục địa phương lẫn thầy, cô các trường “đau đầu”. Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, trong những năm qua Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã có nhiều phương án cụ thể nhằm hạn chế tối đa việc học sinh bỏ học, như việc tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, con người để nâng cao chất lượng dạy học; chống việc học sinh ngồi nhầm lớp; thành lập các trường PTDT Bán trú ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, địa bàn cách trở…

 Tình trạng học sinh miền núi nghỉ học xảy ra nhiều. Vào đầu năm học 2015 - 2016, PV Dân trí cũng đã có dịp đồng hành và tận mắt chứng kiến cảnh các thầy, cô giáo ở các trường vùng cao không quản ngại đường xa để đến từng nhà vận động học sinh tới trường.

Tình trạng học sinh miền núi nghỉ học xảy ra nhiều. Vào đầu năm học 2015 - 2016, PV Dân trí cũng đã có dịp đồng hành và tận mắt chứng kiến cảnh các thầy, cô giáo ở các trường vùng cao không quản ngại đường xa để đến từng nhà vận động học sinh tới trường.

Ngành giáo dục địa phương cũng đã tiến hành “mổ xẻ”, phân tích để tìm nguyên nhân khiến nhiều học sinh bỏ học. Ngoài yếu tố được đánh giá là có ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh là do điều kiện kinh tế nhiều địa bàn vùng cao còn khó khăn, thì một bộ phận học sinh tỏ ra thờ ơ, không quan tâm đến việc học, chưa có ý thức phấn đấu, vươn lên trong học tập. Không ít học sinh chây lười việc học, không theo kịp chương trình, dẫn đến kết quả học tập kém. Bên cạnh đó, do các em nhận thức học xong THPT, thậm chí là các trường chuyên nghiệp cơ hội tìm kiếm việc làm thấp nên không trở thành động lực để theo học. Một nguyên nhân được đánh giá là có tác động trực tiếp đến các em là do tập quán và lối sống của bà con vùng sâu, vùng xa, các em theo cha mẹ lên nương, lên rẫy, hôn nhân sớm…

Ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết: Song song với các chủ trương, chế độ chính sách của nhà nước dành cho đồng bào dân tộc luôn được đảm bảo thì ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị cũng đã nỗ lực để hạn chế tối đa tình trạng bỏ học bằng những hành động cụ thể.

“Tuy nhiên, muốn đảm bảo được việc học sinh đến trường thì trước hết đó là sự quan tâm, trách nhiệm của mỗi gia đình. Họ phải nhận thức được tầm quan trọng của việc học hành của con cái mình để từ đó động viên con em mình đến trường. Đồng thời, nhà trường cùng đoàn thể, mặt trận các cấp vào cuộc chung tay vận động các em đến trường. Khi đó có thể thắp lên niềm hy vọng cho các em, ngăn chặn nạn bỏ học giữa chừng của học sinh vùng khó…” - ông Thắm tâm sự.

Ông Thắm cũng cho hay, để hạn chế đến mức thấp tình trạng học sinh bỏ học, trước mắt ngành giáo dục vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương, Ban giám hiệu các trường và các thầy, cô giáo tích cực vận động học sinh quay trở lại trường. Tuyên truyền, vận động để học sinh và các bậc phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của việc học, từ đó thay đổi nhận thức, suy nghĩ trong mỗi người.

Đăng Đức

Nguồn tin: Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây