Điểm tin báo chí viết về Quảng Trị

https://diembao.quangtri.gov.vn


Kinh hoàng rượu trắng pha cồn và nước lã

Từ 2-3 năm về trước, những lò rượu ngon nổi tiếng được nấu bằng men rễ cây của người đồng bào vùng cao tỉnh Quảng Trị đã dần “tuyệt chủng”. Lý do là vì sản phẩm của người đồng bào làm ra dù chất lượng, nhưng không thể cạnh tranh được với rượu giá rẻ của người đồng bằng. Nhưng, thứ rượu rẻ không tưởng của người đồng bằng đang hiện diện ở khắp thôn bản, lại có công thức pha chế “kinh hoàng” và nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Rượu để lâu là... “bay đâu mất”

Pả Sương (tên khai sinh là Hồ Văn Lõi, trú tại bản 10, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là người sở hữu bí quyết nấu rượu ngon nức tiếng ở vùng Lìa. Để nấu được loại rượu ngon, Pả Sương dùng men của đồng bào làm bằng 12 thứ rễ cây và nếp, vì vậy rượu nấu ra để càng lâu càng ngon.

Pả Sương nhớ lại, cách đây vài năm, ở Lìa có nhiều gia đình nấu rượu. Cứ xong vụ mùa, lúa đã nằm yên trên chái bếp thì nhà nào cũng nấu ít rượu để liên hoan, vui chơi mỗi lúc cưới hỏi. Rượu của người đồng bào, nấu bằng những thứ tự nhiên trên rừng và hạt nếp tự làm ra. Uống vào chỉ lâng lâng rồi ngủ say, sáng ra vẫn lên nương lên rẫy bình thường. “Tôi vẫn còn giữ nghề gia truyền, vẫn nấu rượu nhưng không nấu nhiều. Thường thì những người dưới xuôi đi công tác, vào đặt mua để làm quà. Trước tôi thường bán rượu cho mấy hàng quán, nhưng giờ không bán nữa vì họ trộn lẫn với mấy thứ khác để bán lời hơn” - Pả Sương nói.

Có lần, người bà con ra quán, được giới thiệu là rượu Pả Sương nên mua vài lít về ngâm củ rừng. Nhưng ngâm được vài tháng, nếm thử thì thấy rượu “bay đâu mất”. Pả Sương kể: “Ngay như rượu Tân Long (rượu đặc sản của Quảng Trị), họ cũng làm vậy. Có người vào đây mua rượu của tôi, rồi ra trộn lại với thứ rượu pha men hóa học, đem bán giả danh rượu gia truyền”.

Loại rượu do Pả Sương nấu ra bán với giá 70 ngàn đồng/lít, nhưng ở các hàng quán ở Lìa chỉ bán với giá 20 - 30 ngàn đồng. Pả Sương thắc mắc, không biết người đồng bằng nấu rượu bằng thứ gì, mà rượu làm ra bán được với giá rẻ như vậy. Hiện nay, trong các đám cưới, đám hỏi, các cuộc nhậu người Vân Kiều ở đây thường mua loại rượu giá rẻ này để sử dụng. Nhưng không giống với rượu của người đồng bào làm ra, thứ rượu này uống vào là chếnh choáng, đầu óc mụ mị và không ngớt đau đầu, đến miết ngày hôm sau vẫn thấy cồn cào.

“Công nghệ” pha cồn thành rượu

Anh Quang (trú tại huyện Hướng Hóa) bán hàng tạp hóa dạo ở các xã có đông người đồng bào thiểu số đã 5 năm. Ngày nào Quang cũng chở một chuyến đủ thứ hàng, từ sợi chỉ, bó rau, cá, thịt, dầu ăn... Từ 2 năm trước, những người bán hàng tạp hóa dạo như anh Quang có thêm thu nhập khi đưa rượu trắng vào bán cho các quán hàng ở vùng sâu.

Công việc khá đơn giản, chỉ cần lân la đi tìm mối ở các quán xá ở các xã phía bắc huyện Hướng Hóa như Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng. Khi các quán có nhu cầu, anh Quang sẽ liên lạc với một người đàn ông tên Hùng ở xã Tân Hợp (huyện Hướng Hóa) để lấy rượu. Mỗi ngày, người đàn ông tên Hùng có xe ôtô 12 chỗ đi vào tuyến đường các xã kể trên, đến mối lái nào thì rượu được đưa xuống đó. Mỗi bon rượu 28 lít có giá 360.000 đồng, bán lại cho các hàng quán được gần 600.000 đồng. Rồi các quán này lại chia thành chai nhỏ, bán lẻ lại cho người dân. Ngoài người đàn ông tên Hùng, ở xã Tân Hợp còn có bà Lệ cũng thường vận chuyển rượu giá rẻ vào bán cho các quầy tạp hóa ở khu vực bắc Hướng Hóa. Hỏi vì sao rượu có thể rẻ đến như vậy, anh Quang giải thích rằng vì rượu có pha thêm cồn và nước, chỉ có ít rượu vào cho có mùi.

Đối với những địa phương ở gần đường, xe ôtô đi lại được thì được bán loại rượu trên. Còn những vùng đường sá đi lại khó khăn, thì những người bán tạp hóa dạo sẽ trực tiếp pha rượu. Công thức chế rượu đơn giản, một bon 30 lít rượu thì 10 lít nước lạnh, 10 lít cồn và 10 lít rượu pha lại, khuấy đều là thành loại rượu... khá ngon (!). Còn nếu rượu rẻ hơn, thì chỉ cần pha nước lạnh với cồn tỉ lệ 1/1. “Khi thử rượu, người đồng bào thường dùng một chiếc đũa, nhúng với rượu rồi lấy lửa đốt, nếu cháy bén thì họ cho là rượu ngon, nên càng nhiều cồn thì họ càng thích” - anh Quang cho biết.

Theo chân anh Quang, chúng tôi tiếp xúc được với một chủ lò rượu tại xã Tân Hợp. Lò rượu này cung cấp rượu cho các quầy tạp hóa, không chỉ ở các vùng bản mà ở các các xã dọc quốc lộ 9 cũng mua với số lượng lớn. “Bí quyết” để có được loại rượu giá rẻ được chủ lò rượu tiết lộ là dùng men hóa học và pha thêm cồn. Loại cồn để pha rượu mua ở các quầy thuốc tây ở chợ Khe Sanh, 1 lít chỉ hơn 10 ngàn đồng.

Biết các loại rượu trắng được bán trôi nổi trên thị trường không được an toàn, nên anh Quang thường mua rượu của người đồng bào về dùng. Dù giá mỗi lít lên đến 70.000 đồng, đắt hơn loại rượu mà anh bán ra đến 50.000 đồng.

 

Tin bài liên quan

  • Nạn rượu bia tàn phá giống nòi Việt (Kỳ 2): Nhậu đến... chết
  • Nạn rượu, bia tàn phá giống nòi Việt
  • Lái xe taxi gây tai nạn liên hoàn có uống rượu và va chạm giao thông trước đó
  • Bộ tộc uống rượu từ sáng đến tối ở Lai Châu

 

Nguồn tin: laodong.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây