Điểm tin báo chí viết về Quảng Trị

https://diembao.quangtri.gov.vn


Người dân Cu Pua mong lắm một cây cầu

NDĐT - Bản Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) có 136 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Nhiều năm nay muốn giao thương, đi lại, học hành… người...

NDĐT - Bản Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) có 136 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Nhiều năm nay muốn giao thương, đi lại, học hành… người dân ở đây phải qua lại trên một "chiếc cầu treo" được làm bằng sợi dây cáp đã hoen gỉ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trước đây, đã có một số vụ tai nạn xảy ra khiến bà con hết sức lo lắng.

Cách đâygần 20 năm, người dân bản Cu Pua từ bỏ lối sống du canh, du cư đến vùng đất tả ngạn sông Đakrông lập nghiệp. Để giao thương với bên ngoài, người dân làm tạm một cây cầu bằng sợi dây cáp để đi lại. Trong những ngày mưa gió, nước sông dâng cao, người dân ở đây hoàn toàn bị cô lập. Họ phải chờ nước rút để vượt qua con đường nhiều đèo dốc, sau đó bám vào sợi dây cáp vượt sông rất nguy hiểm.

Già làng Pả Vân, 76 tuổi cho biết: “Nhiều năm qua, dân bản Cu Pua qua lại trên sợi dây cáp này, mùa nắng còn đỡ chứ đến những ngày mưa lũ, nước sông dâng cao chảy xiết, nếu không cẩn thận rất dễ bị cuốn trôi. Biết là nguy hiểm nhưng đây là lối đi duy nhất để giao thương với bên ngoài nên dân bản vẫn phải dùng”.

Già làng Pả Vân mong muốn, ở vị trí này có một cây cầu kiên cố, vững chãi để người dân, nhất là các em học sinh đi lại bảo đảm an toàn.

Đến Cu Pua, tận mắt chứng kiến hai sợi dây cáp vắt ngang đã hoen gỉ, xuống cấp do được làm từ lâu, không bảo đảm an toàn nhưng người dân hàng ngày vẫn sử dụng để đi lại, vận chuyển nông sản mới hay mong muốn có một chiếc cầu đối với người dân nơi đây lớn đến nhường nào. Theo người dân Cu Pua, vào những ngày mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về đục ngầu, chảy xiết nhưng nhiều người vẫn phải liều lĩnh băng qua sông bằng chiếc dây cáp này để về nhà, có trường hợp do bất cẩn đã rơi xuống sông và bị nước cuốn trôi.

Không chỉ khó khăn trong giao thương, buôn bán, trẻ em ở bản Cu Pua muốn đến trường học chữ cũng phải vượt sông bằng sợi dây cáp treo tạm bợ này.

Anh Hồ A La, ở bản Cu Pua chia sẻ: “Thương các cháu lắm, không đi học thì không biết chữ, mà muốn đến trường phải qua sợi dây cáp, thực sự người dân chúng tôi không an tâm chút nào. Cả bản Cu Pua có 40 học sinh hàng ngày phải đến các điểm trường bên kia sông Đakrông học tập. Những ngày mưa to phần lớn các cháu đều phải nghỉ học do nước sông dâng cao, rất ít phụ huynh dám cho con em đến trường”.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều em học sinh ở bản Cu Pua cho biết, rất lo lắng khi đi qua sợi dây cáp này, tuy nhiên nếu bỏ mất một vài buổi đến trường học còn khiến các em lo lắng hơn nhiều.

Chủ tịch UBND xã Đakrông Trần Văn Chạy cho biết: “Chiếc cầu treo được làm bằng sợi dây cáp này không bảo đảm về mặt kỹ thuật, được người dân làm để tạm khắc phục trong việc đi lại. Địa phương cũng đã kiến nghị lên cấp trên và hiện tại đang chờ phương án giải quyết. Người dân Ku Pua rất cần một cây cầu treo kiên cố, vững chãi để đi lại an toàn hơn, nhất là trong mùa mưa lũ”.

Chia sẻ trên của Chủ tịch UBND xã Đakrông cũng là mong muốn của người dân bản Cu Pua hiện nay. Các cấp, ngành tỉnh Quảng Trị và huyện Đakrông cần quan tâm đầu tư xây dựng một cây cầu treo nơi đây trong thời gian sớm nhất để giúp các em học sinh đến trường an toàn, tạo điều kiện cho người dân địa phương đi lại làm ăn sinh sống thuận lợi hơn.

NGUYỄN VĂN HAI - CÔNG ĐIỀN

Nguồn tin: nhandan.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây