Điểm tin báo chí viết về Quảng Trị

https://diembao.quangtri.gov.vn


Người thầy giáo nặng lòng với ngôn ngữ dân tộc Bru-Vân Kiều

Là người con dân tộc Vân Kiều, nhà giáo Hồ Chư vẫn ngày ngày âm thầm cống hiến sức lực của mình trong việc bảo tồn ngôn ngữ Bru-Vân Kiều.

Gắn bó với ngành giáo dục trong suốt sự nghiệp của mình, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà giáo Hồ Chư ( sinh năm 1949), xã Mò Ó, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã truyền dạy chữ Bru - Vân Kiều cho rất nhiều thế hệ học trò.

Ông cũng là một trong những nhà nghiên cứu có vốn kiến thức sâu sắc về văn hóa đồng bào dân tộc Pakô, Vân Kiều…

Hồ Chư người dân tộc Vân Kiều có tên thật là Chứh Muralu. Với tư chất thông minh, ông là một trong những người hiếm hoi của dân tộc mình bước vào giảng đường trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Năm 1974 ông tốt nghiệp Khoa Văn, ra trường trở về quê hương làm việc.

Những năm tháng đầu tiên ông dạy môn văn tại xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh. Thế nhưng với phẩm chất và trình độ thực lực của mình, năm 1980 ông nhanh chóng được đề bạt lên làm Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa.

Sau đó, từ năm 1988-1990 ông được cấp trên giao giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm Bình Trị Thiên, phụ trách khối Dân tộc thiểu số của 3 tỉnh. Thời gian này ông thường xuyên đứng lớp dạy chữ Bru-Vân Kiều cho các cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 1991, ông giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị đến năm 1993 về làm Trưởng phòng chính sách dân tộc của Ban Dân tộc miền núi tỉnh. Năm 1977 ông được điều động về làm Trưởng đài Phát thanh Truyền hình huyện Đakrông đến 2009 thì nghỉ hưu.

Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau nhưng đối với ông quãng thời gian công tác trong ngành giáo dục để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất. Ông là người trực tiếp giảng dạy chữ Bru-Vân Kiều cho gần hàng trăm học viên là cán bộ công chức và lãnh đạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có liên quan đến công tác miền núi như: giáo viên, công an, bộ đội, kiểm soát, tòa án…

Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” tuy nhiên với tâm niệm mong muốn gìn giữ và truyền dạy ngôn ngữ dân tộc mình cho thế hệ trẻ ông luôn nỗ lực hết mình trong công tác nghiên cứu để bồi đắp kiến thức và giảng dạy cho thế hệ sau.

Chia sẻ với chúng tôi, ông tâm sự: "Con người cũng như cái cây vậy, cành lá muốn phát triển tốt thì phải giữ được bộ rễ của mình. Con người phải biết giữ gìn và bảo tồn nguồn cội của cha ông mình để trao gửi cho thế hệ sau. Mà muốn giữ được nền văn hóa của dân tộc mình thì trước hết phải giữ được tiếng nói và chữ viết. Tôi chỉ mong rằng thông qua các buổi dạy của mình tôi sẽ để lại cho lớp cán bộ trẻ vốn kiến thức cơ bản về văn hóa dân tộc Pakô-Vân Kiều. ".

Quãng thời gian sau nghỉ hưu đến nay ông chuyên tâm công tác nghiên cứu về ngôn ngữ Bru-Vân Kiều với mong muốn có thể góp một phần sức mình trong việc truyền bá và đưa chữ viết đến với thế hệ trẻ.

Từ xưa người Pakô, Vân Kiều chỉ có tiếng nói nhưng không có chữ viết. Là một trong số ít những người có am hiểu về hệ ngôn ngữ Bru-Vân Kiều của dân tộc mình, Hồ Chư tham gia biên soạn và xuất bản những cuốn sách về ngôn ngữ Bru-Vân Kiều và giáo trình tiếng Bru-Vân Kiều cho hệ Trung học cơ sở.

Ông Hồ Chư cho biết khó khăn nhất trong việc soạn thảo tiếng Bru-Vân Kiều thành ngôn ngữ chữ viết chính là kí âm vì trong ngôn ngữ chữ thuần Việt không có âm bật hơi, âm tắc, âm xát, âm rung… nhưng trong tiếng Bru-Vân Kiều những âm này rất phổ biến. Mặt khác, tiếng Bru-Vân Kiều là ngôn ngữ chưa thành văn nên việc dịch thuật, chuyển ngữ rất khó khăn và vất vả đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn cao.

Bên cạnh đó, hiện nay rất nhiều từ trong ngôn ngữ Bru-Vân Kiều đã mất đi thay vào đó có thêm rất nhiều từ mượn nên việc tìm lại nguồn gốc và ý nghĩa những từ cổ rất khó. "Theo tôi để có thể nghiên cứu cũng như dạy ngôn ngữ Bru-Vân Kiều được tốt người dạy phải thực sự tâm huyết đam mê với nghề luôn nỗ lực trau dồi kiến thức mới truyền được lửa cho học sinh của mình" - ông nói.

Tiếng Bru-Vân Kiều có những đặc điểm riêng nên việc giao tiếp với các dân tộc khác rất khó khăn. Mặt khác ngôn ngữ Bru-Vân Kiều được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu bằng hình thức truyền miệng. Đặc biệt, vì không có chữ viết riêng nên khi dịch sang tiếng Việt rất khó không tìm ra từ đúng nên hay gặp trường hợp sai lỗi chính tả và diễn tả trật ý.

Tuy nhiên thời gian trôi qua rất nhiều từ cổ của ngôn ngữ Bru-Vân Kiều bị mất đi thay vào đó là những từ mượn từ các ngôn ngữ khác như tiếng nước ngoài, tiếng Kinh, tiếng Pháp… nên việc truyền giữ hệ ngôn ngữ này gặp rất nhiều khó khăn.

Là một người con dân tộc Vân Kiều, đau đáu trong mình những trăn trở về việc giữ gìn nguồn cội văn hóa của cha ông mình, Hồ Chư vẫn ngày ngày âm thầm cống hiến sức lực của mình trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển ngôn ngữ Bru-Vân Kiều. Để phong phú thêm kiến thức trong quá trình giảng dạy, ông thường lang thang đến các bản làng khác nhau để tìm hiểu từng phong tục, tập quán những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Từ đó, tìm hiểu, sưu tầm những câu chuyện, những làn điệu dân ca, những tư liệu về văn hóa truyền thống của cha ông mình để lại. Đến nay, có thể nói ông được xem là một cuốn sách Bách Khoa toàn thư về văn hóa Bru-Vân Kiều.

Hiện nay, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn đang giữ chức vụ Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, phân hội trưởng Phân hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị.

Đối với tỉnh Quảng Trị, có thể nói rằng Hồ Chư là người Vân Kiều đầu tiên trở thành nhà thơ. Trong những tác phẩm của mình, thơ ông mang hơi hưởng của âm hưởng núi rừng với một khát khao mãnh liệt được sống, yêu và cháy hết mình.

Đến nay ông đã cho ra đời và xuất bản 5 tập thơ được giới chuyên môn đánh giá cao như "Hoa trên đá" (1999); "Dòng mưa muộn mằn" (2003); "Theo dòng Krông Klang" (2007); "Tiếng gió rừng" (2011); "Cảm ơn nỗi buồn" (2015).

Trong căn phòng đầy sách vở, bên ấm trà đặc lắng nghe ông ngâm thơ: Tiếng cồng chiêng mang theo làn gió/Mang ngọn lửa hồng hoang cháy đỏ thuở sơ sinh/ Qua thời gian bão giông mưa nắng/ Tiếng cồng bay xa sáng rực buổi bình minh . …(bài "Tiếng chuông") chúng tôi thấy khát vọng, ước mơ của ông vẫn bùng cháy mạnh mẽ đầy sức sống...

Các tập thơ của ông đều mang những cảm xúc dạt dào âm hưởng trầm bổng trong cuộc sống về tình người và tình đời qua cách cảm thụ riêng. Ngôn ngữ trong thơ của Hồ Chư được thể hiện rất mộc mạc, chân thành như chính con người và cách sống của ông - một người thầy cao quý, một nhà thơ giản dị, một nhà báo sâu sắc và một nhà nghiên cứu đầy tâm huyết với nền văn hóa của đồng bào Vân Kiều./.

Nguồn tin: www.vietnamplus.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây