Điểm tin báo chí viết về Quảng Trị

https://diembao.quangtri.gov.vn


Quay lưng và sự hiếu kỳ

Tại sao chúng ta quay lưng với những sản phẩm văn hóa lành mạnh, tại sao chúng ta quay lưng với những giá trị văn hóa đích thực. Dễ hiểu thôi, bởi khi ta hướng về phía này thì rõ ràng sẽ quay lưng lại với phía bên kia. Tất yếu là vậy giống như khi ta nghĩ ngược lại câu danh ngôn Nam Phi này: “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về sau bạn”.

Sáng 17.11, tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, TAND tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự giết người, cướp tài sản xảy ra vào ngày 7.8.2015 tại khóm 4, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Người dân đi xem rất đông, ở trong phòng chật cứng và bên ngoài thì chen không nổi để được xem qua các ô cửa kính của cửa sổ. 

Nhiều người đã ra về với vẻ mặt thất vọng: “Về thôi, chen chân không lọt”. Quan sát bên ngoài hội trường phòng VHTT huyện, mọi người cứ nghĩ ở nơi đây đang diễn ra một hoạt động nào đó rất lớn. Ôtô, xe máy đông đúc để cả trên vỉa hề, lề đường của các hàng quán gần khu vực. Có thể nói, chưa bao giờ người dân nơi đây lại sốt sắng và nhiệt tình đi xem đông đúc như vậy, thậm chí các đoàn nghệ thuật về biểu diễn vẫn không đông đúc bằng.

Đa số người đi xem đều tạm thời bỏ công việc của mình, thậm chí một số học sinh còn bỏ học để đi xem. Lớp tôi dạy đến 5 em bỏ học để đi xem. Người ta thường ví, đông như xem hội nhưng ở đây tôi thấy người đông và hào hứng hơn xem hội rất nhiều. Hào hứng đến mức chen lấn nhau để có vị trí để xem từ bên ngoài. Tại sao người dân lại tận tình như vậy? Sự hiếu kỳ có sức mạnh kỳ diệu đến thế sao?

Nhớ lại khoảng gần một tháng trước, đoàn kịch Nhà hát Tuổi trẻ đã đến biểu diễn miễn phí tại sân Trường THPT Hướng Hóa với sự tài trợ đến mấy trăm triệu đồng từ nhà tài trợ. Đây là một sự kiện văn hóa lần đầu tiên xuất hiện ở Hướng Hóa từ vài chục năm trở lại đây. Mặc dù được các thầy cô giáo và học sinh quảng bá rộng rãi nhưng người đến xem rất ít và được giữa chừng thì nhiều khán giả đã bỏ về vì không đủ kiên nhẫn để xem hết.

Cũng vài năm trước, một nhóm cựu học sinh (đang là sinh viên đại học) muốn tổ chức sân chơi lành mạnh mang tên: Giao lưu về phương pháp học và ôn thi cho học sinh khối 12. Sự nỗ lực và tâm huyêt của các anh chị đi trước đã bị phá sản khi số lượng người tham gia là các em học sinh 12 quá ít.

Năm học vừa rồi, khi dạy một trích đoạn trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ”, tôi đã tìm bản phim nhạc kịch mới nhất để chiếu cho các em xem trong giờ ngoại khóa. Cứ tưởng các em sẽ hào hứng đón nhận, đằng này, phần lớn các em nói chuyện riêng, có nhóm còn làm việc riêng và rất hờ hững. Được biết, bộ phim đã được cả thế giới nồng nhiệt đón nhận và ca ngợi. Tôi thực sự thấy hụt hẫng vô cùng trước thái độ thờ ơ của các em với câu hỏi treo lơ lửng: tại sao lại như vậy?

Hãy thử làm một phép liên tưởng ở đây với sự kiện gây sốt của cuốn “Go Set a Watchman” của tác giả “Giết con chim nhại” – Happer Lee tháng 7 vừa rồi. Không chỉ độc giả trên quê hương tác giả (một thị trấn của miền nam Hoa Kỳ) mà còn ở Anh, mọi người đã thức suốt đêm 5 giờ đồng hồ để chờ đợi sự ra đời của cuốn sách này. Lùi xa hơn về thập niên 90 của thế kỷ trước, “Rừng Na Uy” của Murakami Haruki đã gây lên cơn sốt tại Nhật và sau đó đã gây sốt ở nhiều nước trên thế giới. “Cứ bảy người Nhật thì có một người đọc Rừng Na Uy”. Đó là câu đề tựa trên bìa cuốn sách này. Nó không phải là một lời quảng cáo phóng đại mà là sự thật.

Biết bao giờ ở Việt Nam mới có được một cơn sốt như vậy về văn hóa đọc.

Chúng ta từng biết đến những cơn sốt Lệ Rơi, cơn sốt sao lộ hàng, cơn sốt về những scandal của giới showbiz và những cơn sốt về những vụ giết người tàn nhẫn dã man với hàng ngàn like và chia sẻ. Mới đây còn có thêm sự kiện chửi bới, thách thức phiến quân IS trên facebook. Vì hiếu kỳ nên các báo phải thi nhau giật tít câu view, vì hiếu kỳ nên tin được đọc nhiều nhất, tin hot luôn là tin cướp, giết, hiếp và tin tức về các sao: sao đi đâu, sao ăn gì, sao nói gì... trở thành tâm điểm của nhiều trang báo mạng.

Những cơn sốt kiểu hiếu kỳ này sẽ dẫn chúng ta về đâu, dẫn thế hệ trẻ đi về đâu? Và câu chuyện về đám đông chen lấn đi xem xét xử tội phạm cướp của giết người sáng nay đã giúp tôi tìm được trả lời cho câu hỏi: Tại sao chúng ta quay lưng với những sản phẩm văn hóa lành mạnh, tại sao chúng ta quay lưng với những giá trị văn hóa đích thực. Có rất nhiều lý do cho sự quay lưng này nhưng lý do dễ thấy đầu tiên nằm ngay ở sự hiếu kỳ ở trên đã nói. Dễ hiểu thôi, bởi khi ta hướng về phía này thì rõ ràng sẽ quay lưng lại với phía bên kia. Tất yếu là vậy giống như khi ta nghĩ ngược lại câu danh ngôn Nam Phi này: “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về sau bạn”.


Cảnh người dự phiên tòa.
Buổi phát hành sách tại Anh 
Buổi phát hành sách tại Anh 
Cảnh người xem phiên tòa

Tin bài liên quan

  • Sinh viên Việt Nam sang nhất quả đất
  • Đánh bom liều chết và tai nạn giao thông
  • Dân nào chịu cho thấu!
  • Im như thóc trong bồ

 

Nguồn tin: laodong.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây