Điểm tin báo chí viết về Quảng Trị

https://diembao.quangtri.gov.vn


Tận diệt cỏ nhung trên đèo Sa Mù

Bỏ rẫy...

5h sáng, nhóm hơn 10 người đồng bào Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) theo đường Hồ Chí Minh ngược về hướng đèo Sa Mù. Cách đây hơn 2 tháng, thương lái đã đem cây cỏ nhung đến đây, nói rằng khu vực quanh đèo Sa Mù có loại cây này. Với giá từ 600 ngàn đồng - 1,2 triệu đồng/kg tươi, người dân bỏ việc lên rẫy, rủ nhau lên núi lùng sục tìm cỏ nhung đem bán. Loại cỏ nhung trên đèo Sa Mù thân mềm, lá có màu xanh tía hoặc xanh nhạt, trên lá có đường gân trong óng ánh. Để tìm được cây cỏ nhung, người dân đi dọc theo suối, hoặc leo lên các sườn đồi có cây lớn. Cỏ nhung thường mọc nơi có độ ẩm, nên việc tìm kiếm không mấy khó khăn.

Cầm theo một a chói (gùi đan bằng tre) nhỏ, bà Hồ Thị Ly (40 tuổi, trú tại thôn Chênh Vênh) bỏ lại xe máy giữa đèo Sa Mù, theo con suối, bà Ly cùng nhóm người vạch lau lách đi nhanh vào rừng. Đi chừng 30 phút, đám cỏ nhung đầu tiên được phát hiện, những người trong nhóm bắt đầu tỏa ra xung quanh để tìm kiếm. Bà Ly nói rằng, tìm được cỏ nhung ở địa điểm này, cứ vòng sang khu vực khác ở cùng độ cao, sẽ tìm được nhiều - “có khi cả một đám lớn”. Việc khai thác cỏ nhung rất đơn giản, chỉ cần nhổ nguyên cả rễ, cành, lá cho vào a chói mang theo, tránh việc để nắng rọi trực tiếp vào, sẽ làm héo cỏ nhung.

Từ sáng đến chiều, nhóm của bà Ly lùng sục từng ngóc ngách một, “cạo” sạch từng cây cỏ nhung bị phát hiện. Chị Hồ Thị Thức (23 tuổi, trú tại thôn Chênh Vênh) nói rằng, cỏ nhung tìm được nhiều nhất ở địa bàn xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa).

Thương lái đến đâu, cỏ nhung bị “cạo” sạch đến đó

Chỉ cần mang cỏ nhung thu hái được ra đường Hồ Chí Minh, thương lái lúc nào cũng túc trực sẵn, việc trao đổi diễn ra rất nhanh. Cỏ nhung màu xanh tía, đậm có giá 1,2 triệu đồng/kg (loại 1), còn loại có lá màu nhạt hơn giá từ 600 đến 800 ngàn đồng/kg (loại 2). Trong nhóm đi cùng với bà Ly, người nhiều nhất thu được hơn 600 ngàn đồng, ít cũng hơn 400 ngàn đồng từ việc bán cỏ nhung.

Chị Gái (thương lái) cho biết, sau khi thu gom cỏ nhung, chị sẽ nhập lại cho đại lý ở huyện Hướng Hóa. “Cây này ăn sống, nấu canh hoặc phơi khô nấu uống. Nghe nói trị được mất ngủ, trị được ung thư” - chị Gái, giải thích. Còn cánh đại lý ở huyện Hướng Hóa thì nói rằng, thu mua được bao nhiêu cỏ nhung cũng tiêu thụ hết, chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc.

Ông Đào Quang Cảnh - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa - đơn vị quản lý khu vực đèo Sa Mù, cho biết chưa nắm được thông tin về việc người dân khai thác cỏ kim tuyến. Còn Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa thì thừa nhận rằng, rất khó quản lý việc khai thác loại cây này.

Trong lúc giá trị của loại “thần dược” cỏ nhung đang còn mù mờ, cơ quan quản lý chưa nắm rõ, thì mỗi ngày đồng bào Vân Kiều lại đổ xô lên núi để tận diệt. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, và làm rõ được giá trị của loại dược liệu trên để bảo tồn, thì chỉ trong nay mai, cỏ nhung vùng Sa Mù cũng sẽ bị “cạo” trọc. HƯNG THƠ

Theo các đại lý thu mua cỏ nhung, thương lái Trung Quốc tiết lộ rằng cỏ nhung mọc ở nơi cao, thì giá trị dược liệu càng lớn. Tại tỉnh Quảng Trị, ở thị trấn Tà Rụt của huyện Đak Rông có rất nhiều cỏ nhung, nhưng giá trị dược liệu rất thấp. Vùng đèo Sa Mù ở huyện Hướng Hóa được đánh giá là nơi có loại cỏ nhung tốt nhất vì mọc ở núi cao, quanh năm sương mù bao phủ, nên bán được với giá cao. Lúc mới phát hiện thì bà con Vân Kiều thu hái được nhiều, mỗi ngày trên 10kg. Nay mỗi ngày chỉ thu mua được khoảng 5kg cỏ nhung tươi.

 

Tin bài nổi bật

  • VIDEO: Tin đồn hồ Tả Trạch vỡ khiến dân chạy tán loạn trong đêm
  • Nhà đang xây đổ sập, 1 người chết, 10 người bị thương
  • Sống với chồng 5 năm, tôi mới biết sự thật về ngày trăng mật hôm đó
  • Dịch giả Việt Nam được giải thưởng dịch thuật văn học Hàn Quốc

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây