Điểm tin báo chí viết về Quảng Trị

https://diembao.quangtri.gov.vn


"Thôi ta còn bạn bè"

Được biết đến là một người đa tài: làm thơ, viết nhạc, viết báo - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (ảnh bên) đã tập hợp một số bài viết về chân dung các bạn văn nghệ...

Được biết đến là một người đa tài: làm thơ, viết nhạc, viết báo - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (ảnh bên) đã tập hợp một số bài viết về chân dung các bạn văn nghệ trong vài năm trở lại đây và tuyển chọn in thành sách với tên gọi lấy từ một câu hát quen thuộc trong bài “Tình xa” của người bạn vong niên Trịnh Công Sơn: “Thôi ta còn bạn bè”.

Thưa nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, ông có thể chia sẻ lý do thôi thúc ông cầm bút viết về chân dung các văn nghệ sĩ?

Cách đây nhiều năm, khi tôi đang rất muốn làm nhạc, muốn sáng tác được nhiều ca khúc để đời như các nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, Phú Quang, Trần Tiến... thì nhạc sĩ Văn Cao - một người thầy của tôi đã nói: “Kha ơi, người làm ca khúc bây giờ nhiều lắm. Em nên dừng lại để làm một việc cần thiết là khắc họa chân dung những người tham gia đời sống văn nghệ nước ta. Bởi Việt Nam là một nước nhỏ bé nên có được người nào là quý người đó”. Thêm nữa, chính bản thân tôi cũng nhận thấy rằng, ở Việt Nam, ngoài những tên tuổi như Vũ Bằng, Đinh Hùng, Nguyễn Vỹ... khá thành công khi viết về những đồng nghiệp giai đoạn trước 1945, thì sau đó, những bài viết tái hiện chân dung của bạn bè trong giới văn nghệ sĩ rất khan hiếm. Sau ngày thống nhất đất nước, khi đọc nhiều hơn các tác giả viết chân dung ở nước ngoài như: Pau-tốp-xki, Ê-ren-bua..., đặc biệt là năm 1978 khi ra Hà Nội tiếp xúc với các bậc đàn anh, với bạn bè trong giới, tôi thấy chúng ta có rất nhiều nhân vật đặc sắc và cần phải viết về họ, để dần lấp đầy khoảng trống thời đại về chính họ, của chính họ.

Như vậy là, để có những chân dung hiện diện trong cuốn sách “Thôi ta còn bạn bè’’ trên tay bạn đọc ngày hôm nay, ông đã có ý thức và bắt đầu viết từ thời điểm rất sớm đó?

Viết về những chân dung, lối tiếp cận của tôi không đi theo con đường nghiên cứu các văn nghệ sĩ, cũng không phải viết để ca tụng một “cái tôi” tầm vóc hay vĩ đại, mà là từ những kỷ niệm có được khi sống với họ, chơi thân với họ. Để có được điều đó, cần có thời gian gắn bó với nhau, rồi cần thời gian tích lũy hiểu biết của mình trong nhiều lĩnh vực mới có thể bắt đầu. Tới năm 1990, tôi mới chính thức bắt tay vào công việc viết lách này.

Tuy nhiên, tôi đã thực hiện với những nấc dung lượng khác nhau. Chẳng hạn ở nấc thứ nhất, tôi đã hoàn thành khoảng 10 tiểu thuyết chân dung cho 10 nhân vật nghệ sĩ lớn, mỗi tiểu thuyết dày 200 - 300 trang như: Văn Cao - Người đi dọc biển (NXB Lao động, 1992), Hàn Mặc Tử - Thi sĩ đồng trinh (NXB Đà Nẵng, 1993), Nguyễn Thiện Đạo - Nhạc sĩ bị giời đầy (NXB Đà Nẵng, 2003)... Ở nấc thứ hai, tôi viết ngắn hơn, khoảng 20-30 trang cho mỗi chân dung và đã tập hợp 12 tên tuổi để in thành một cuốn sách có tên Những gương mặt tài danh (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2004). Có một nấc cuối chỉ viết trong vài ba trang, tôi đã viết và tập hợp in trong tập Bóng Thế kỷ (NXB Đà Nẵng, 2002).

Sau đó, tôi nghĩ phải viết cái gì ngắn gọn, gần gũi với độc giả hơn với độ dài chừng năm, sáu trang. Rất may, tờ Lao động cuối tuần mở ra chuyên mục Chuyện làng văn nghệ. Và 49 chân dung nhân vật đã được ra đời ở nấc thứ ba, dưới dạng những bài đăng báo trong vài năm trở lại đây. Có thể coi đó là những ký họa mà đặc tính tiêu biểu của từng nhân vật trong mỗi bức được làm nổi bật.

Nói như nhà thơ, 49 chân dung có thể ví như 49 bức ký họa, nhưng thực sự khi đọc cả cuốn sách thì hoàn toàn không giống với việc xem nhanh 49 bức ký họa đơn thuần. Mỗi chân dung là mỗi tính cách, mỗi số phận, mỗi đời sống gắn với sự nghiệp của họ và đặt trong các mối quan hệ, chưa kể việc khai thác các nhân vật rất đa dạng (từ nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ đến cả họa sĩ, nghệ sĩ biểu diễn), trải dài trên cả ba miền đất nước đã tạo ra một độ “nặng” khó tránh cho độc giả, nhất là những người ít trải nghiệm?

Có thể độ “nặng” của cuốn sách tạo ra thái độ e ngại nơi người đọc nhưng nó cần thiết bởi vì nền văn nghệ Việt Nam không có sự tách rời giữa các vùng miền cũng như rất cần sự hiện diện của tất cả các lĩnh vực. Mỗi nhân vật như một lát cắt, nhưng khi xếp cạnh nhau thì trở thành một lớp người, tạo ra một con đường thời đại. Là hình ảnh một thời đại không quá xa xôi mà cha anh và bản thân chúng ta vừa mới trải qua với nhiều hệ lụy, đau khổ và vất vả. Người đọc cần đồng hành với người viết để tìm hiểu những câu chuyện đó, để có thể tìm chìa khóa giải mã nó. Cần những tham số xưa cũ để trả lời câu hỏi của hiện tại và chính cái đó mới là sự kéo dài sự vô thủy vô chung của đời sống.

Có thể coi đó là những ký họa mà đặc tính tiêu biểu của từng nhân vật trong mỗi bức được làm nổi bật.

Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc rồi đi bộ đội, nhưng cuối cùng lại gắn với nghiệp cầm bút, đó có phải là cách ông lựa chọn để đi tìm những câu trả lời cho câu hỏi chính của mình?

Quan trọng nhất là trong suốt quãng thời gian đi bộ đội (từ chiến trường Quảng Trị 1972 vào đến Tây Nguyên, xuống tận cực Nam Bộ, tham gia chiến dịch biên giới), tôi đã phải chứng kiến quá nhiều sự hy sinh. Có cái chết mà tôi chứng kiến, tim người lính đã ngừng đập mà trong túi áo ngực vẫn còn một củ khoai nướng nóng hổi chưa kịp ăn. Cho nên, nếu phải chọn công việc làm kỹ thuật và cầm bút, tôi luôn chọn vế sau. Thêm một kỹ sư thông tin thì cũng quý. Nhưng thêm một người cầm bút để viết về những hy sinh, dâng hiến có lẽ tốt hơn.

“Thôi ta còn bạn bè” mở đầu bằng chân dung nhà thơ Đặng Đình Hưng, kết lại bằng chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bên cạnh những người bạn đồng niên hay vong niên, đồng ngũ hay không đồng ngũ, đồng hương hay không đồng hương... người đọc vẫn nhận ra chân dung Nguyễn Thụy Kha đằng sau tất cả, cho nên viết về bạn bè cũng là nói với lòng mình?

Người ta nói ngôn ngữ có rất nhiều lớp vỏ, anh phải bóc tách được ra, nó được nhặt từ vũng lầy nào, kể câu chuyện nào. Cuối cùng thì con người chỉ còn bạn bè thôi, nếu trong mình không còn chút gì bạn bè với nhau thì không thể viết chân dung về nhau được. Người ta chỉ có chân dung- khi bị vùi dập đến tận cùng và được yêu thương đến tận cùng.

Xin cảm ơn những chia sẻ của nhà thơ!

“Nguyễn Thụy Kha là một người quảng giao, đa tài, nhiều trải nghiệm sống. Tác giả đi nhiều, biết nhiều, nhớ nhiều, làm nhiều nghề. Cuốn sách gồm 49 bài như 49 “bức tranh chân dung” bạn bè của nhà thơ đứng cùng nhau trong cuộc gặp gỡ của thời gian, của kỷ niệm, của quá khứ, cho nên những gì cần nhớ thì đã nhớ, những gì cần quên thì đã quên; Nguyễn Thụy Kha viết lại cũng là sống lại những kỷ niệm trong lòng mình” - họa sĩ Lê Thiết Cương.

HẢI AN (thực hiện)

Nguồn tin: nhandan.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây