Tiếp sức cho doanh nghiệp nông thôn

Thứ bảy - 26/12/2015 20:28
Hoạt động khuyến công đã giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn TP Đà Nẵng xác định được hướng phát triển, đầu tư đúng hướng, nâng cao...

Hoạt động khuyến công đã giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn TP Đà Nẵng xác định được hướng phát triển, đầu tư đúng hướng, nâng cao năng lực quản lý, từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, sản xuất, kinh doanh hiệu quả và từng bước hội nhập.

Anh Nguyễn Văn Nhi (33 tuổi), Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất và cung ứng nấm Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), chia sẻ: Năm 2015, Tổ hợp tác của anh được Trung tâm Khuyến công Đà Nẵng hỗ trợ một máy sấy nấm linh chi với công nghệ hiện đại, vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa làm tăng giá trị sản phẩm, đồng thời bảo đảm được yêu cầu về môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến tại cơ sở. Với giá bán hiện nay, trung bình mỗi tháng, trừ chi phí, anh có lãi 15 triệu đồng, mỗi năm lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động trong thôn. Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Đà Nẵng cho biết, không chỉ cơ sở của anh Nguyễn Văn Nhi, trong năm 2015, Trung tâm đã hỗ trợ hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến nấm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng các thiết bị, máy móc như máy sấy nấm linh chi cho Tổ hợp tác sản xuất và cung ứng nấm xã Hòa Nhơn; máy hấp phôi nấm cho Hợp tác xã (HTX) dịch vụ sản xuất Nông nghiệp I Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn); Tổ trồng nấm phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu)... Đến nay, tất cả các cơ sở sản xuất được hỗ trợ đã đưa thiết bị vào vận hành và sử dụng ổn định, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Với kinh phí 575 triệu đồng, trong năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng đã triển khai hỗ trợ tư vấn trong lĩnh vực marketing cho năm cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Hòa Vang. Sau khi tiến hành khảo sát, nắm tình hình hoạt động, thị trường…, Trung tâm đề xuất giải pháp cụ thể cho từng doanh nghiệp để tiếp cận thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn được hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, đưa máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến vào sản xuất. Như đầu tư máy hàn bấm, máy dập ly hợp hơi cho cơ sở Nguyễn Tri Vinh (xã Hòa Sơn). Hỗ trợ ứng dụng thiết bị mới cho Xí nghiệp Thủy sản và thực phẩm (xã Hòa Phước), hoàn thiện nhà xưởng, đầu tư hệ thống hấp. Ông Đào Xuân Quang, Giám đốc Công ty CP Hồng Hoàng Hồng đóng tại xã Hòa Nhơn phấn khởi cho biết: Sau khi được tư vấn, hỗ trợ, sản phẩm gạch không nung của chúng tôi nhanh chóng tiếp cận được thị trường. Sản phẩm làm ra gần như không đủ để tiêu thụ. Cuối năm 2015, Trung tâm tiếp tục thực hiện đề án về xây dựng và phát triển thương hiệu cho 10 cơ sở công nghiệp nông thôn, bao gồm các nội dung: Thiết kế, xây dựng thương hiệu, tuyên truyền quảng bá phổ biến thương hiệu… với kinh phí 350 triệu đồng. Ngoài ra, Trung tâm cũng vận động và hỗ trợ chi phí gian hàng cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tham gia Hội chợ Triển lãm Hòa Vang 40 năm xây dựng và phát triển.

Nhằm hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến cho doanh nghiệp nông thôn, Trung tâm Khuyến công Đà Nẵng tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp tham gia hàng loạt các hội chợ, như Triển lãm Công nghiệp - Thương mại đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Hậu Giang vào giữa tháng 6-2015; Hội chợ triển lãm nhân Hội nghị công tác Khuyến công khu vực miền trung và Tây Nguyên tại tỉnh Quảng Bình; Hội chợ Thương mại - Công nghiệp nông thôn dịp lễ hội ok-om-bok tỉnh Trà Vinh hồi cuối tháng 11-2015. Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa và sự hỗ trợ từ Ban tổ chức Hội chợ Công nghiệp - Thương mại Huế 2015; Hội chợ Công thương khu vực Bắc Trung Bộ - Nhịp cầu xuyên Á tại Quảng Trị, Trung tâm đã hỗ trợ ba doanh nghiệp với bốn gian hàng trưng bày tham gia góp phần thành công chung cho Hội chợ và được Ban tổ chức chọn là một trong bốn Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp các tỉnh đề xuất Bộ trưởng Công thương tặng bằng khen.

Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng Phan Văn Kha đánh giá: “Hoạt động khuyến công đã góp phần vào sự phát triển chung của ngành công thương Đà Nẵng, đặc biệt tạo nên diện mạo đổi khác cho các xã nông thôn trên địa bàn huyện Hòa Vang. Hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn phát huy hiệu quả sau khi nhận hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Một số sản phẩm đã xác lập được chỗ đứng trên thị trường như gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, nấm…”. Tuy vậy, công tác khuyến công vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trước hết là nguồn kinh phí hạn hẹp, một số dự án, đề án không thực hiện được hoặc chậm tiến độ do cơ sở sản xuất thiếu vốn, bản thân một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả của hoạt động khuyến công cho nên chưa mặn mà phối hợp triển khai các đề án…

Giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn trên cơ sở thúc đẩy các ngành nghề, sản phẩm có lợi thế, khôi phục và đẩy mạnh những ngành nghề truyền thống, đồng thời, phát triển ngành nghề mới phù hợp với từng địa phương. Công tác khuyến công sẽ ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn, tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Thanh Tùng

Nguồn tin: nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây